Chủng mới Lambda có đáng ngại?
Chủng mới Lambda đang khiến nhiều nhà khoa học phải chú ý khi xuất hiện ngày càng nhiều, giữa lúc Delta đe dọa cuộc chiến chống Covid-19 khắp thế giới.
Lambda, chủng nCoV lần đầu phát hiện ở Nam Mỹ vào năm ngoái, ngày càng xuất hiện nhiều tại Mỹ. Giải mã gene phát hiện 1.060 ca nhiễm chủng Lambda ở Mỹ cho đến nay, theo sáng kiến chia sẻ dữ liệu GISAID.
Dù con số này tương đối nhỏ so với số ca nhiễm chủng Delta, nhiều chuyên gia vẫn cảnh giác với biến chủng này. "Tôi nghĩ bất kỳ khi nào một biến chủng được xác định và cho thấy khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, bạn đều phải lo lắng", tiến sĩ Gregory Poland, giám đốc Nhóm Nghiên cứu Vaccine tại trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận Mayo Clinic ở Mỹ, nói.
"Biến chủng đang phát sinh mỗi ngày. Câu hỏi đặt ra là liệu những đột biến có mang lại lợi thế cho virus để gây bất lợi cho con người hay không? Với Lambda, câu trả lời là có", ông nói thêm.
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Palmetto, bang Florida, Mỹ hôm 2/8. Ảnh: Reuters.
Khoảng 29 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến thể Lambda. Chủng nCoV này lần đầu xuất hiện ở Peru vào tháng 12 năm ngoái và được cho có khả năng lây lan chậm. Nhưng sau đó, nó đã tăng tốc và chiếm tới 90% tổng số ca nhiễm ở đây.
Adam Taylor, nhà nghiên cứu về virus mới nổi tại Viện Y tế Menzies thuộc Đại học Griffith ở Queensland, Australia, cho biết nhiều cơ quan đang theo dõi biến chủng Lambda.
"Bằng chứng dịch tễ học đang được tập hợp để biết chính xác về mối đe dọa của Lambda, do đó trong giai đoạn này, cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để tìm hiểu các đột biến của nó ảnh hưởng như thế nào tới tốc độ lây nhiễm, khả năng né vaccine và gây bệnh nặng", Taylor cho biết trong bài đăng trên The Conversation.
Taylor nói thêm bằng chứng sơ bộ cho thấy Lambda có thể xâm nhập tế bào con người dễ dàng và né hệ miễn dịch tốt hơn đôi chút, nhưng vaccine vẫn có hiệu quả đối với chủng này. Tuy nhiên, hiện chưa rõ những đột biến có khiến Lambda trở thành chủng virus đáng lo ngại hơn hay không.
"Dữ liệu sơ bộ về protein gai của Lambda cho thấy nó làm tăng tính lây nhiễm, đồng nghĩa có thể dễ dàng nhiễm bệnh cho tế bào hơn chủng gốc xuất hiện ở Vũ Hán, cũng như hai chủng Alpha và Gamma", ông nói.
Taylor thêm rằng hiện còn quá sớm để xác định liệu chủng Lambda có gây bệnh nặng hơn hoặc tăng nguy cơ tử vong hay không.
Một thông tin khá tích cực là dù Lambda đã xuất hiện ở Mỹ vài tháng, số ca nhiễm còn tương đối thấp, theo tiến sĩ Preeti Malani của Đại học Michigan.
"Thật may khi các nghiên cứu cho thấy những loại vaccine hiện có vẫn giúp bảo vệ con người. Chúng ta đã rút ra được một điều trong đại dịch là mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng, do đó việc kiểm soát Covid-19 nhìn chung sẽ giúp kiểm soát Lambda", Malani nói.
Biến thể Delta có thể là một lời cảnh báo sớm cho tác động của sự ngần ngại vaccine và triển khai tiêm chủng chậm chạp. Với tỷ lệ lây nhiễm cao và gây nguy cơ bệnh nặng, tử vong cao, biến chủng đã gây ra đợt bùng phát mạnh ở Ấn Độ.
Khi nCoV truyền từ người sang người, nó sẽ biến đổi một chút giống như các loại virus khác, theo Poland. Những thay đổi hoặc đột biến có thể vô hại hoặc cũng có thể là cơ hội để chủng mới gia tăng tốc độ lây nhiễm và trở nên nguy hiểm hơn.
Tiêm chủng sẽ giúp giảm cơ hội tạo đột biến, bao gồm sự xuất hiện của chủng có khả năng tránh né kháng thể. "Chúng ta sẽ tiếp tục thấy ngày càng nhiều biến chủng xuất hiện và cuối cùng một trong số đó sẽ học được cách tránh hệ thống miễn dịch do vaccine tạo ra", Poland cảnh báo. "Nếu điều đó trở thành sự thật, chúng ta sẽ trở lại vạch xuất phát".
Giống như khi thế giới đã chiếm được ưu thế trong cuộc chiến chống Covid-19, Delta xuất hiện và đảo ngược kết quả này.
Hiện tại, khi giới chuyên gia dành nhiều chú ý tới Lambda, nhiều người tự hỏi liệu đột biến nhanh của nCoV có bình thường. Giáo sư Sunil Lal của Đại học Monash cho biết câu trả lời là "có".
"Sự xuất hiện của chủng mới của virus không phải bất thường và nCoV không ngoại lệ", giáo sư Sunil, nhà vi sinh học, giải thích. "Với sự nhân bản của virus, chúng ta đang cho nó cơ hội để đột biến và tạo ra chủng mới. Phần lớn đột biến là vô hại. Tuy nhiên, một số có thể tiến hóa để trở nên dễ lây nhiễm hoặc tránh các phản ứng kháng thể của con người".
Sunil cho biết điều này từng xuất hiện trong các đại dịch trước đây và là hiện tượng được gọi là "tiến hóa hội tụ". Delta là một ví dụ. Chủng mới này, xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ, có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn chủng gốc 60% và được cho là nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tiến sĩ Malani cho biết con người sẽ ghi nhận thêm nhiều chủng nCoV khác cho tới khi tốc độ lây lan của Covid-19 thực sự chậm lại. "Cách duy nhất là tiêm vaccine rộng rãi để kiểm soát lây lan và ngăn đột biến. Đây là cuộc đua giữa tiêm chủng vaccine và sự phát triển của chủng mới", ông nói.